Sự phát triển tư duy của trẻ ở độ tuổi từ 1 đến 3 (2021-04-26 08:32:44)

Khi bé ra đời bộ não đã chứa hàng chục tỉ tế bào. Sự phát triển não bộ của bé trong giai đoạn từ 1 – 3 tuổi  chủ yếu là sự tăng lên về thể tích, sự gia tăng kết nối của các tế bào thần kinh. Do đó sự phát triển tư duy của bé có sự phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài hay nói cách khác, tư duy càng phát triển khi có nhiều kích thích tích cực từ môi trường.

1. Cơ sở nền tảng thần kinh

        

       Khi bé ra đời bộ não đã chứa hàng chục tỉ tế bào. Sự phát triển não bộ của bé trong giai đoạn từ 1 – 3 tuổi  chủ yếu là sự tăng lên về thể tích và kết nối của các tế bào thần kinh; sự tăng lên về số lượng ,độ dài của brain synapstosome và sự hình thành của tủy thần kinh. Trước đó ,tức là giai đoạn 12 tháng đầu bộ não hoàn thành việc sản sinh và phân hóa tế bào. Do đó giai đoạn này cũng như các giai đoạn tiếp theo sự phát triển tư duy của bé có sự phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài hay nói cách khác, tư duy càng phát triển khi có nhiều kích thích tích cực từ môi trường.

      Khi bé 3 tuổi, não bộ đã có sự phát triển vượt bậc, đặc biệt là não trước. Đây là vùng não phụ trách tư duy, nên khả năng suy nghĩ của bé đến 3 tuổi tiến bộ đáng kể. Do vậy khi đến tuổi này ngoài khả năng ghi nhớ và quan sát thì sẽ đã bắt đầu có những suy nghĩ riêng của mình.

2. Hình thức tư duy điển hình

            

          Giai đoạn từ  1-3 tuổi khả năng tư duy của bé bắt đầu phát sinh. Đây là thời kỳ của những giác động tức hoạt động tư duy của bé trong giai đoạn này là những hành động theo trực giác, cụ thể là khi mắt có cảm nhận với sự vật nào đó thì bé tự có hành động gắn liền ngay tư duy được thực hiện qua các thao tác.

3. Những biểu hiện cụ thể của sự phát triển tư duy 

            Sự phát triển của bé trên nhiều lĩnh vực khác nhau là băng chứng cụ thể nhất cho thấy ở giai đoạn này bé đã có những sự phát triển vượt bâc trong tư duy. 

  • Vận động

- Từ 12 -24 tháng: Nhiều bé có thể tập đi được từ khi tròn 1 tuổi nhưng cũng có nhiều trẻ chậm hơn. Đến 18 tháng, hầu hết các bé đều biết đi, thậm chí cả biết chạy. Khi được khoảng 24 tháng tuổi, bé sẽ biểu hiện những động tác rất ngộ nghĩnh đáng yêu như: đi lắc lư, chạy lung tung, bò trước bò sau, đôi tay nhỏ luôn vận động linh hoạt, múa may diễn trò. Ngoài ra bé có thể ngồi chơi, leo trèo, trượt cầu trượt, cong lưng cúi người để nhặt đồ chơi mà không bị ngã.

Từ 24 đến 36 tháng: Hành vi tò mò quan sát sự vật giảm bớt, thay vào đó là hành động trực tiếp với đồ vật. Ví dụ như chơi búp bê, chơi đồ hàng. Đôi khi bé còn đập, phá, tháo tung đồ chơi với mục đích nghiên cứu đồ chơi đó. Đây là hình thức “tư duy bằng tay” theo phương thức thử và sai (trực quan - hành động), tức là quy trình tư duy không diễn ra trong não mà diễn ra bằng tay, dùng đôi bàn tay để khám phá tính chất, đặc điểm của đồ vật.

  • Ngôn ngữ

         Có thể nói, giai đoạn 1-3 tuổi là giai đoạn phát triển nở rộ về ngôn ngữ:

         - Từ 12 đến 18 tháng: Vốn từ vựng phát triển rất nhanh, bé có thể hiểu và nói các từ đơn thậm chí những câu đơn giản như gọi bố mẹ, diễn đạt yêu cầu, chào khách. Nếu được chỉ bảo, trẻ sẽ nhanh chóng nắm được tên các đồ vật, phân biệt được to nhỏ, khoảng cách, nông sâu, có khái niệm về thời gian.

         - Từ 18 đến 24 tháng: Trẻ từ một tuổi rưỡi đến hai tuổi đã biết sử dụng ngôn ngữ như là phương tiện cơ bản để nhận thức thế giới xung quanh, cũng như để đòi hỏi thỏa mãn các nhu cầu cơ bản như đòi đồ ăn, đồ chơi. Bé cũng dùng lời nói để diễn đạt những điều muốn nói. Kinh nghiệm giao tiếp tăng lên, có thể trò chuyện với người lớn, thậm chí thuật lại sự việc bằng câu đơn giản. Bé cũng có thể hiểu và thực hiện những yêu cầu đơn giản của người lớn. Ở độ tuổi từ 18 đến 24 tháng, mỗi tuần bé có thể tập phát âm thêm được từ 10 đến 20 từ mới. Vốn từ của bé ở 24 tháng là khoảng khoảng 200 từ và hiểu một số lượng từ lớn hơn nhiều lần.

          

       - Từ 24 tháng đến 36 tháng:  Lúc này, ngôn ngữ của bé phát triển đến 70% khả năng và số từ vựng để dùng trong cả đời. Bé có thể hiểu các câu phức, nắm được ngôn ngữ sơ bộ và ngày càng tích cực phát âm. Bé còn rất thích bắt chước những câu nói có âm điệu như: “đồng nát ơ”, “phớ ơ”…, nghe rất ngộ nghĩnh.

  • Khả năng tập trung

      - Từ 12 đến 18 tháng: Ở độ tuổi này sẽ bắt đầu hình thành nơi trẻ mầm mống của “chú ý có ý thức’’. Điều đó giúp bé có thể tập trung chú ý trong thời gian dài vào một vật gì đó. Chỉ chú tâm vào trò chơi đó mà không lưu tâm, chú ý đến lời nói và hành động của người xung quanh. Trẻ có thể chơi một mình với đồ chơi khoảng 30 phút, sau khi chơi chán thì sẽ ném đồ chơi đó đi.

      - Từ 18 đến 24 tháng: Khả năng tập trung của trẻ vào đồ chơi cũng cao hơn. Thời gian tự chơi của trẻ lúc này là 50 - 60 phút. Hành vi của trẻ đối với đồ chơi dần dần mang tính khống chế, mày mò nghiên cứu hơn.

       -Từ 24 đến 36 tháng: Song song với sự phát triển về thể chất, sức tập trung của trẻ trong thời kì này phát triển nhanh nhất, nó khiến trẻ có thể chơi một mình với đồ chơi trong hơn 1 giờ liền. Ngoài ra bé đã có thể tìm đúng chỗ món đồ chơi mà mình đã để khi trước. Khi lên 3, trẻ đã có khả năng tổng hợp các tính chất của vật thể mà nó nắm được, đồng thời có thể sử dụng các vật thể đó để thực hiện các trò chơi theo trí tưởng tượng của mình.

         

  • Trí tuệ tự nhiên

         Được bé thể hiện qua sự yêu thích thiên nhiên và các hoạt động ngoài trời; giỏi quan sát, có hứng thú và quan tâm đặc biệt tới động vật hoặc thực vật; tính hiếu kỳ mạnh mẽ và tìm hiểu trước những sự vật mới lạ: khả năng phân biệt và phân loại giản đơn đều là biểu hiện của trí tuệ tự nhiên. Những đứa trẻ có trí tuệ tự nhiên phát triển bình thường có những biểu hiện sau:

- Khoảng thời gian tập trung chú ý không ngừng kéo dài, xuất hiện sự phân tán chú ý
- Tính vĩnh viễn của khách thể không ngừng phát triển
- Đã có khả năng nhận thức một vài vật thể, ngôn ngữ sẽ đóng vai trò là hệ thống tín hiệu thứ hai phát huy tác dụng to lớn
- Khám phá thế giới bằng các bộ phận trên cơ thể mình
- Bắt đầu cảm thấy hứng thú với các vật thể, sinh vật và hiện tượng trong tự nhiên
- Cảm quan, khao khát tìm hiểu phát triển mạnh, phát huy tác dụng lớn trong các  hoạt động khám phá thiên nhiên của trẻ…
       Ngoài  ra có một số bé có biểu hiện bất thường, đó là hành vi xem thường mọi việc, khi đó bé tỏ ra lơ đãng với xung quanh hoặc ngồi không mục đích. Nếu khoảng thời gian này chiếm từ 15-25% thời gian thức của bé thì có thể não bé phát triển không đầy đủ, trình độ nhận thức của bé kém hoặc bé có rối loạn tự kỉ. Cha mẹ phải tuyệt đối quan tâm đến vấn đề này.

         

  • Khả năng học toán

       Khi còn nhỏ, bé đã có biểu hiện toán học, có thể tính toán và đếm những con số đơn giản và căn cứ vào các mức độ tư duy khác nhau để tiến hành phân loại vật thể và bước đầu hình thành khái niệm không gian. Biểu hiện trí tuệ toán học của bé ở độ tuổi từ 1 đến 3:

- Bước đầu có cảm giác về số lượng.
- Bắt đầu nói được một vài số đếm, có thể dùng ngón tay để biểu thị độ tuổi của mình.
- Bước đầu hiểu được thứ tự sắp đặt, biết dùng số lượng nhiều hoặc ít để phân biệt đẳng cấp.
- Có khả năng tính toán ước lượng như: hiểu được nếu cho thêm thì đồ vật sẽ nhiều hơn, nếu lấy đi thì đồ vật sẽ ít đi.
- Có thể đọc thuộc lòng những số đếm từ 1-10.
- Có thể dùng các chữ số để phân biệt chính xác đẳng cấp của vật thể.
- Có thể tiến hành phân loại đơn giản.

         

  • Biểu hiện khả năng tự nhận biết

       Kí ức giúp bé có thể nhớ lại các sự vật mới xảy ra mấy ngày. 24 tháng, bé đã có thể hành động không chỉ dưới ảnh hưởng của những ấn tượng trực tiếp tác động mà còn của các ký ức giữ lại bên trong. Sự tham gia của trí nhớ vào các quá trình tâm lý đã làm thế giới nội tâm được hình thành. Thông qua quá trình thử và sai, bé đã dần thiết lập được những mối quan hệ hành động nguyên nhân - kết quả và mối liên hệ giữa các đồ vật, ví dụ: ấn tay vào búp bê, búp bê kêu, đạp chân vào bập bênh, bập bênh chuyển động, hay đụng vào quả bóng thì quả bóng lăn...Khả năng nhận biết sự tương đồng, khác biệt của trẻ tăng mạnh, nên trẻ rất thích việc sắp xếp, phân loại các đồ vật, đồ chơi vào các nhóm như: các loại quả, các con vật…

      Trẻ 2 tuổi chưa nhận thức được rằng suy nghĩ của mình khác với suy nghĩ của người khác, nên luôn cho rằng cha mẹ biết chúng đang nghĩ gì. Đến 3 tuổi, bé có sự hiểu biết về bản thân mình tốt hơn, biết được mình là một người hoàn toàn độc lập. Từ đó, bé luôn muốn tự mình được làm mọi việc. Nếu được hướng dẫn, bé bắt đầu biết tự mặc, cởi quần áo đơn giản, tập cài cúc và rất thích cởi ra rồi mặc vào, nhưng bé lại hay mặc ngược.

          

  • Trí tuệ không gian phát triển

         Thị giác và khả năng nhận thức của bé 1 tuổi phát triển nhanh chóng, chúng không chỉ biết phân biệt những màu sắc và hình dạng đơn giản, mà còn bắt đầu sản sinh khái niệm đối với khối lập thể, dần dần tích lũy nền tảng. Đây là một bước tiến bộ lớn trong quá trình phát triển nhận thức của bé.

         Khi 1 - 2 tuổi, bé đã thành thạo leo, bắt đầu lẫm chẫm học đi và rất thích điều đó. Nhìn trẻ nhỏ từ lúc biết vẽ lung tung những đường nét đơn giản tới khi dần vẽ ra những hình có thể phân biệt được, từ chỗ ngoan ngoãn để cha mẹ mặc quần áo cho đến lúc khóc la đòi tự chọn và kết hợp quần áo của mình, bạn sẽ thấy bé đã trưởng thành từng chút một.
        Khái niệm về thời gian ở trẻ vẫn còn mơ hồ, chưa biết thế nào là ngày mai, hôm qua. Trẻ cũng chưa hiểu được các từ trừu tượng, ví dụ như đẹp, nặng, nhẹ... nếu như không được nhìn, sờ (không có các kích thích trực tiếp vào giác quan).

  • Những biểu hiện âm nhạc của bé

        -  1 - 2 TUỔI : Lứa tuổi này bé rất thích nghe nhạc, thích hoạt động âm nhạc , có thể hát và gõ nhịp chính xác, có thể tạo ra sự biểu diễn âm nhạc đơn giản, bộc lộ cảm xúc… Khi nghe một bản nhạc nào đó, bé nhảy theo nhạc, có động tác nhất định và kỹ thuật để kết hợp với âm nhạc.

        - 2 - 3 TUỔI : Cơ thể bé lúc này sẽ tăng cường phản ứng với các kích thích âm nhạc. Số lần hát hoặc ngân nga của bé cũng đã tăng lên. Bé bắt đầu cảm nhận được tiết tấu, biết tác dụng của những nhạc cụ gõ nhỏ như xúc xắc hoặc trống cầm tay, bắt đầu lý giải hình thức nghệ thuật âm nhạc. Bạn có thể tìm hiểu thêm về việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ qua các bài hát đồng dao.

  • Trí tuệ giao tiếp

          

          Biểu hiện trí tuệ giao tiếp ở bé từ 1 đến 3 tuổi là thích giao tiếp qua lại với mọi người, có thể thấu hiểu người khác, dễ dàng trao đổi với họ, hay giúp đỡ và có khả năng học hỏi, hợp tác với người khác. Bé sẽ chủ động kết giao với người lớn, tiếp nhận một vài người thân ngoài những người trong gia đình như: cô trông trẻ, hàng xóm... Bé tích cực kết giao với chúng bạn, tạo dựng tình bạn, có thể chơi cùng các bạn khác hay cho người khác đồ chơi của mình. Đặc biệt ở bé xuất hiện hành vi xã hội mới, khi người bên cạnh buồn chẳng hạn, bé sẽ có những hành động an ủi người đó.

  • Những khả năng khác

        Bé đã bắt đầu có thể phân loại các đồ vật vào các nhóm. Ví dụ như: bé biết con gà và con vịt giống nhau là cùng có cánh và lông. Bé cũng có ý niệm về sự sở hữu, ví dụ nhận biết được áo của bố, áo của mình, giầy của mẹ...Lúc này, bé thường thích thú với các trò chơi “giả vờ”, đặc biệt là “giả vờ” nói chuyện trên điện thoại. Bố mẹ sẽ có dịp quan sát con của mình cầm điện thoại lên và nói bập bẹ như có người ở đầu dây bên kia thật.

                                                                                                                                        Tổng hợp

Nguồn tài liệu tham khảo:

http://www.phunukieuviet.vn/tre-1-3-tuoi

http://www.tomiki.vn

http://www.nutifood.com.vn/en/nutritional-information

Sách:

1/  Bồi dưỡng tâm lý khỏe mạnh cho trẻ-phương chi , nguyên khắc khoái- nhà xuất bản phụ nữ

2/ Các lý thuyết học tập về trẻ em- collec gray and macblan

 

  
Tag: